Quy định về chi phí mua bảo hiểm nhân thọ - sức khỏe cho nhân viên khi tính thuế TNDN, TNCN

Chi phí mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có được trừ khi tính thuế TNDN. Bảo hiểm nhân thọ có phải đóng thuế TNCN, quy định thuế TNCN đối với bảo hiểm nhân thọ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ rõ ràng hơn về vấn đề này.

Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Đơn giản là người tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm về việc sẽ đóng đúng những khoản phí đều đặn vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý để được chi trả số tiền nhất định khi không may gặp rủi ro hoặc đến thời điểm đáo hạn.

Bảo hiểm sức khỏe là gì?

Bảo hiểm sức khỏe (BHSK) là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm tai nạn là gì?

Bảo hiểm tai nạn (BHTN) là loại hình mà đối tượng bảo hiểm là sức khỏe và tính mạng con người. Bảo hiểm này sẽ bao gồm chi phí điều trị khẩn cấp, khám sức khoẻ, chi phí điều trị nội trú tại viện và các chi phí khác nữa như chi phí về chỗ ở và đi lại.

Việc mua BHTN, BHSK, BHTN được nhiều công ty đưa vào chính sách phúc lợi của mình. Một mặt, chính sách phúc lợi thể hiện sự đãi ngộ của mình nhằm giữ chân nhân viên. Mặt khác, chi phí mua bảo hiểm được tính vào chí phí được trừ khí xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Chi phí mua BHNT, BHSK, BHTN có được trừ khi tính thuế TNDN?

BHNT, BHSK, BHTN không mang tính bắt buộc, không nằm trong đối tượng bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng nó mang tính phúc lợi mà công ty muốn mang lại cho người lao động. 

Để đánh giá bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn có phải là chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hay không, chúng ta sẽ xem xét các nội dung sau:

1. Chi phí của doanh nghiệp được trừ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Để chi phí BHNT, BHSK, BHTN cho người lao động là chi phí được trừ, công ty cần:
- Ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty

- Bảo hiểm nhân thọ: Không vượt quá 03 triệu đồng/tháng/người.

Lưu ý: Mức 03 triệu đồng/tháng/người là giới hạn chung của tổng quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Do đó, nếu không trích nộp các khoản quỹ hưu trí, bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì BHNT mới có thể đóng ở mức 03 triệu đồng.

- Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn: là một phần trong các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động. Tổng khoản chi có tính chất phúc lợi này không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm.

Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động. 

Công ty phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động và không nợ tiền bảo hiểm bắt buộc đối với cơ quan BHXH.

Khoản tiền bảo hiểm tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân người lao động ra sao?

Căn cứ khoản 2 điều 2 Thông tư 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: 
...
đ.2) Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động. 

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.” 
...

Do đó, khi công ty mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác thì đây là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm: 

...
g) Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là chứng từ trả tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

n) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể trong một số trường hợp như sau:

n.1) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe là khoản tiền mà cá nhân nhận được do tổ chức bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trả cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của tổ chức bảo hiểm hoặc tòa án và chứng từ trả tiền bồi thường.
...

Do đó, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe là các khoản thu nhập miễn thuế TNCN.

PHAN TUẤN NAM
Công ty TNHH Đại lý thuế Altria
ĐT: 0903070785
Email: nam.phan@altriatax.vn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn